Ngành cơ khí chế tạo: Cần mức thuế công bằng cho phụ kiện

Nhập khẩu sản phẩm có lợi thế hơn tổ chức sản xuất nên rất nhiều DN kinh doanh phát triển tốt, trong khi DN chế tạo máy và khuôn mẫu lại gặp vô vàn khó khăn vì thuế nhập khẩu linh kiện cao.

Sức hút lớn từ các tập đoàn đa quốc gia

Bà Trần Thị Huế – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc – cho rằng, Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các tập đoàn công nghiệp đa quốc gia nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (năm 2018, GDP cả nước ước đạt 6,8%), kéo theo đó là nhu cầu tìm kiếm các DN cung ứng sản phẩm CNHT ngày càng gia tăng. Tuy nhiên với DN Việt, con đường để trở thành đối tác của các “ông lớn” còn rất gian nan.

Theo bà Huế, các tập đoàn lớn khi đầu tư vào một quốc gia nào đó đều kéo theo các DN vệ tinh. Bản thân các DN vệ tinh này cũng đã là các DN lớn nên khi tìm nhà cung ứng đều đưa ra những điều kiện rất khó cho DN Việt về số lượng, chất lượng, chủng loại…

Tuy nhiên, đến nay, một số DN Việt Nam đã tích cực đầu tư, thay đổi công nghệ và tiếp cận được nhóm DN lớp 2, lớp 3 của các tập đoàn công nghiệp quốc tế. “Đây là tín hiệu tốt để DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam thay đổi công nghệ, tư duy vào được chuỗi cung ứng toàn cầu”- bà Huế nhấn mạnh.

nganh co khi che tao can muc thue cong bang cho phu kien
 

Cần trợ lực từ chính sách thuế

Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội DN Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) – cho rằng, DN cơ khí chế tạo nhất là các DN nhỏ và vừa, có nguồn lực yếu, từ lâu đã chịu sức ép lớn từ chính sách thuế. Đây là nút thắt quan trọng của ngành.

Cụ thể, theo ông Tống, ngành chế tạo máy và khuôn mẫu trong nước hiện phải đóng thuế nhập khẩu nguyên liệu như thép cacbon làm khuôn và các linh kiện đặc trưng như động cơ servo, hệ điều khiển… trong khi nhập khẩu thành phẩm thuế suất lại bằng 0 nên giá nhập khẩu thành phẩm thấp hơn chế tạo trong nước. Đây là sức ép cạnh tranh lớn đối với doanh nghiệp chế tạo trong nước.

DN cơ khí chế tạo cũng rất khó tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khác. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 50/2015/QĐ-UBND và Quyết định 15/2017/QĐ-UBND để hỗ trợ DN đầu tư vào CNHT. Tuy nhiên, trong lĩnh vực cơ khí cũng chỉ có rất ít DN dám đầu tư. Bởi theo đại diện Hamee, khi tham giam gia các gói kích cầu để nhận được sự hỗ trợ của thành phố DN cũng gặp không ít khó khăn.

Ngoài ra, các DN cơ khí còn đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Một số DN đang sản xuất tại nhà xưởng đầu tư từ lâu nay không phù hợp quy hoạch nên không tham gia được gói kích cầu của UNND TP. Hồ Chí Minh, mà đầu tư vào nhà xưởng mới ở khu công nghiệp thì chi phí quá cao không còn khả năng đầu tư máy móc, thiết bị.

Bởi vậy, để kết nối tốt với các DN nước ngoài, theo ông Tống, Việt Nam cần có các DN CNHT đủ nguồn lực, đủ quyết tâm; phải tạo cơ hội, điều kiện cho các DN cơ khí trong nước phát triển, có nội lực, có khả năng đầu tư đáp ứng yêu cầu của các DN lớn.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với cộng đồng DN, các hiệp hội ngành nghề đề xuất điều chỉnh về chính sách nhằm tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các DN cơ khí trong nước…

Nguồn: cokhivietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *